Trước tình hình tuyển sinh ngành Sư phạm đang ở mức thấp nhất trong nhiều năm qua khiến dư luận đặt ra câu hỏi ngành giáo dục đi về đâu khi thí sinh mất niềm tin?
- ĐH Sư phạm Hà Nội 2 xét tuyển bổ sung hơn 700 chỉ tiêu
- Điểm xét tuyển NVBS đợt 1 Đại học Sư phạm TPHCM năm 2017
- Ngành Sư phạm Trường Đại học Vinh bất ngờ tăng điểm xét tuyển
GS Phạm Minh Hạc bày tỏ sự hoang mang, lo lắng về điểm chuẩn vào ngành sư phạm. Ảnh: X.T.
Câu chuyện “Chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm” trên các trang mạng xã hội, tin tức tuyển sinh Cao đẳng Y Dược Hà Nội một lần nữa lại làm nóng dư luận khi điểm chuẩn các trường cao đẳng, đại học sư phạm thấp ở mức 9, 10 và 12,75 (điểm quy chuẩn bằng mức sàn 15,5).
Nhiều nguyên nhân được nêu ra lý giải cho vấn đề này như lương giáo viên thấp, trường sư phạm “mọc lên như nấm” ở các địa phương dẫn đến “vơ vét” thí sinh, cũng như Bộ GD&ĐT chưa có bước đi rõ ràng, quyết liệt để cải thiện tình hình tồn tại nhiều năm. Zing.vn có cuộc trò chuyện với GS Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng GD&ĐT, xung quanh vấn đề này.
Hoang mang, lo lắng
– Thưa GS Phạm Minh Hạc, năm nay, điểm đầu vào của nhiều trường cao đẳng sư phạm ở mức 9, 10, bậc đại học là 12,75 (điểm quy chuẩn). Từng nhiều năm quản lý giáo dục, ông đánh giá vấn đề này như thế nào?
Việc xã hội quan tâm, lo lắng và cả bức xúc khi ngành sư phạm có điểm chuẩn quá thấp là dấu hiệu tốt. Bản thân tôi cũng rất hoang mang, lo lắng, bởi nền giáo dục không tốt sẽ gây ra nhiều vấn đề hệ lụy trong xã hội.
Chúng ta nên học tập đất nước nhỏ nhưng rất quan tâm đến giáo dục như Phần Lan. Họ thay đổi toàn diện giáo dục từ thế kỷ XXI và đạt kết quả cao. Các trường đại học Phần Lan chỉ chọn 10% thí sinh đăng ký ngành sư phạm.
Ở nước ta, điểm đầu vào ngành cao đẳng sư phạm là 9, đại học 12,75 (điểm quy chuẩn) thì quá thấp. Tôi thấy nhiều chuyên gia đề xuất điểm đầu vào ngành sư phạm ít nhất phải 20.
– Thưa GS, học sinh đạt 9 điểm/3 môn thi có thể trở thành giáo viên đạt chuẩn không?
Học sinh đạt 9 điểm/3 môn thi, thậm chí đạt 1,5 điểm Toán đỗ sư phạm Toán, không thể trở thành giáo viên đạt chuẩn. Trừ một vài trường hợp rất đặc biệt, 1.000 người mới có một em học phổ thông kém, sau này trở thành giáo viên giỏi.
Riêng ngành sư phạm cần có đầu vào cao, vì đây là yếu tố quan trọng quyết định chất lượng đào tạo.
Theo kế hoạch, chiều nay, 16/8, Bộ GD&ĐT làm việc với lãnh đạo các trường về giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo của các trường sư phạm. Tham dự buổi họp có lãnh đạo các vụ, cục liên quan như Vụ Giáo dục Đại học, cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục, hiệu trưởng tất cả các trường sư phạm.
Trước đó, tại hội nghị tổng kết năm học 2016-2017 đối với các cơ sở đại học, trường sư phạm diễn ra ngày 11/8, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng không thể nói “điểm đầu vào sư phạm tụt dốc thảm hại”, vì có những trường sư phạm lấy điểm chuẩn cao, ngoài ra trong một trường sư phạm cũng có những ngành điểm chuẩn rất cao.
Trước hàng loạt vấn đề được cho là bất cập sau kỳ thi THPT quốc gia 2017, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng cần hết sức bình tĩnh, nhìn nhận, đánh giá vấn đề một cách thấu đáo.
– Theo ông, đâu là nguyên nhân thí sinh không còn mặn mà với ngành sư phạm?
Đi tìm câu trả lời đích đáng cho câu hỏi vì sao ngành sư phạm bị thất sủng rất khó, vì đây là vấn đề của cả hệ thống. Riêng việc đãi ngộ cho sinh viên sư phạm bây giờ không còn hoặc không đáng kể.
Nhiều học sinh không chọn sư phạm vì không tin tưởng vào ngành giáo dục. Những vấn đề như lương, đãi ngộ và xin việc đã được nhắc đến trong nhiều năm nhưng vẫn chưa giải quyết được.
Ở tuổi lập nghiệp, xây dựng gia đình (từ 22 đến 27), người trẻ cần lo toan cho cuộc sống. Học sinh chọn ngành sư phạm, khi ra trường các em có lương thấp không nuôi nổi bản thân với 2 triệu đồng/tháng, thậm chí không có khả năng xin việc, thì đương nhiên sẽ không ai mặn mà.
Ngành sư phạm ngoài lương cũng không có thu nhập thêm. Trường hợp giáo viên ở thành phố lớn có thu nhập cao chỉ là con số quá ít trong tổng số giáo viên trên cả nước. Đi thăm một số nước, tôi thấy ở Việt Nam lương giáo viên mới nghèo như vậy, mức 5-10 triệu đồng/tháng, về hưu thì chỉ còn vài triệu đồng. Cũng chỉ có Việt Nam mới xếp lương của giáo viên vào lương hành chính sự nghiệp, nên giáo viên không có động lực phát triển.
Trước đây, năm 1990, khi còn đương nhiệm, tôi từng làm việc với Ngân hàng Thế giới. Họ đề xuất tách lương của nhà giáo ra khỏi lương của hệ thống hành chính. Giáo viên nên có một chế độ lương riêng, phù hợp và xứng đáng với năng lực của mình.
– Bộ GD&ĐT nên nhìn thẳng vào thực tế và thực hiện những vấn đề cấp bách trước tình hình đầu vào sư phạm hiện nay như thế nào?
Bộ GD&ĐT cần có báo cáo, kiến nghị, đề xuất những chính sách phù hợp với Chính phủ để cải thiện các vấn đề trong ngành sư phạm. Vấn đề cấp bách ngay bây giờ là dừng đào tạo những nơi quá kém, mặc dù họ đã tuyển sinh, không nên để tình trạng này tiếp diễn.
Câu “Chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm” có từ nửa thế kỷ trước, khi tôi còn công tác tại ĐH Sư phạm Hà Nội. Thời bấy giờ ngành giáo dục cũng đã có những thay đổi để sư phạm đạt chuẩn là 24, 25 điểm. Ngày đó, ngành sư phạm có sức hút không kém ngành công an và quân đội bây giờ.
Mức trúng tuyển vào nhiều trường đại học sư phạm kém ĐH Y Hà Nội (ngành Y đa khoa) đến gần 14 điểm. Nhiều trường cao đẳng sư phạm ở địa phương “loanh quanh” mức 9, 10 điểm mà vẫn không có thí sinh nhập học.
Tranh vẽ: Hữu Nhân.
Không để các trường sư phạm tùy ý tuyển sinh
Hiện nay, hầu như tỉnh nào cũng có trường đại học đào tạo giáo viên THPT. Ở Cao đẳng Sư phạm Gia Lai, dù điểm chuẩn “hạ giá” xuống còn 9 điểm/3 môn, có ngành chỉ một em trúng tuyển. Theo GS, việc đào tạo sư phạm hiện nay còn những gì bất cập?
Thực tế cho thấy nhiều trường sư phạm “vơ bèo vạt tép” nên dẫn đến chất lượng giảm. Hiện nay, nhiều trường sư phạm có tình trạng đào tạo thừa giáo viên. Số lượng đào tạo của các trường cao đẳng ở địa phương, văn bằng hai, từ xa chiếm số lượng lớn.
Bộ GD&ĐT rà soát, quy hoạch lại, không để các trường đào tạo tùy ý, không nên để học viên tìm mọi cách để theo học, cốt lấy chứng chỉ nghề nghiệp để xin việc. Bộ GD&ĐT có thể đóng cửa những trường không chất lượng.
– Phải chăng đã đến lúc tự các trường phải nghĩ cách cứu chính mình để hút thí sinh?
Các trường không thể tự thay đổi được, ít nhất họ phải có đủ sinh viên, lấp đầy chỉ tiêu mới được hưởng ngân sách từ Nhà nước.
Trong nhà trường, những giáo viên tâm huyết vẫn dạy hay và chịu khó đổi mới dù lương thấp. Nhưng đó là câu chuyện của cá nhân, vấn đề tổng thể cần vai trò của Nhà nước.
Nhà nước nên khuyến khích phát triển trường tư để tăng số lượng giáo viên làm việc trong trường tư thục hưởng mức lương xứng đáng. Số lượng trường tư hiện nay quá ít, chưa đến 15% số trường công.
Theo đánh giá từ Ban tuyển sinh Cao đẳng Dược Hà Nội, với tình hình như hiện nay đòi hỏi hơn nữa sự quan tâm của Nhà nước cũng như trách nhiệm của các Trường đào tạo Sư phạm để nâng cao chất lượng cũng như thu hút thí sinh theo học; chúng ta phải có đường lối đổi khác để phát triển giáo dục, riêng Bộ GD&ĐT hay địa phương không làm nổi.
Nguồn: news.zing.vn – Truongcaodangyduocpasteur.edu.vn