Cận “đáy” điểm sàn vẫn có cơ hội xét tuyển trường Đại học nổi tiếng

Với mức điểm sàn cao hơn năm 2016, nhiều trường Đại học phải “hạ nhiệt” đưa mức điểm nhận hồ sơ sát đáy sàn, do đó thí sinh vẫn có cơ hội xét tuyển trường Đại học nổi tiếng.

Trường ĐH Hà Nội vừa đưa ra mức điểm nhận hồ sơ đáng ngạc nhiên. Trong đó, tất cả các ngành thuộc bậc ĐH hệ chính quy của trường này đều lấy mức điểm 15,5 cho các tổ hợp xét tuyển gồm 3 môn/bài thi. Năm 2017, Trường ĐH Hà Nội tuyển sinh 2.100 chỉ tiêu vào 17 ngành đào tạo đại học chính quy theo phương thức xét tuyển kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia, tăng 200 chỉ tiêu so với năm 2016.

Thí sinh cần thận trọng khi thay đổi nguyện vọng

Thí sinh cần thận trọng khi thay đổi nguyện vọng (Ảnh minh họa). Ảnh: Đàm Duy

 

Bộ GDĐT cho biết, có 2 cách để thí sinh thực hiện điều chỉnh nguyện vọng như sau:

Thứ nhất, từ ngày 15 – 21.7 thí sinh điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển trực tuyến tại địa chỉ: http://thisinh.thithptquocgia.edu.vn bằng cách đăng nhập vào hệ thống này.

Thứ hai, thí sinh cần tải mẫu phiếu điều chỉnh để ghi đầy đủ thông tin. Sau đó, điền và nộp phiếu điều chỉnh nguyện vọng đến các điểm thu nhận nguyện vọng từ ngày 15 – 23.7.

Ông Trần Khắc Thạc – Phó trưởng phòng Đào tạo ĐH và sau ĐH, Trường ĐH Thủy Lợi cho biết, theo mặt bằng chung, điểm thi THPT quốc gia năm nay cao hơn các năm trước nên điểm chuẩn các ngành vào ĐH Thủy lợi có tăng nhẹ. Mức điểm các ngành Kỹ thuật cơ điện, Kinh tế, Quản trị Kinh doanh có mức điểm nhận hồ sơ là 16 – 17 điểm. Tuy nhiên rất nhiều ngành lấy mức điểm bằng sàn. Tuy nhiên, thí sinh vẫn có nhiều cơ hội xét tuyển vào ĐH Thủy lợi với mức điểm 15,5 ở các ngành: Kỹ thuật xây dựng, Kỹ thuật tài nguyên nước, Kỹ thuật hạ tầng, Kỹ thuật trắc địa – bản đồ.

Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM) cũng thông báo điểm nhận hồ sơ xét tuyển vào trường là 15,5 điểm cho tất cả các tổ hợp xét tuyển. Điểm nhận hồ sơ này được xác định là mức điểm áp dụng cho học sinh phổ thông khu vực 3, chưa tính điểm ưu tiên. Tương tự, Trường ĐH Kinh tế – Luật có mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển đại học 2017 bằng ngưỡng điểm đầu vào Bộ GDĐT quy định là 15,5 điểm.

Cận “đáy” điểm sàn vẫn có cơ hội xét tuyển trường Đại học nổi tiếng

Cận “đáy” điểm sàn vẫn có cơ hội xét tuyển trường Đại học nổi tiếng

ĐH Bách khoa (thuộc ĐH Quốc gia TP.Hồ Chí Minh) cũng thông tin, trường này không quy định thêm về điều kiện nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển đại học hệ chính quy ngoài ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của Bộ GDĐT, tức là điểm nhận hồ sơ xét tuyển của trường là 15,5.

Thậm chí, thí sinh có mức điểm 15,5 cũng có cơ hội xét tuyển vào các trường khối Y – Dược như ĐH Y dược – ĐH Thái Nguyên. Trường này năm nay tuyển 730 chỉ tiêu cho 6 ngành đào tạo, trong đó ngành Y đa khoa tuyển 300 chỉ tiêu. Mức điểm 15,5 áp dụng cho tất cả các mã ngành không ngoại trừ Y đa khoa. Tương tự, tại ĐH Kỹ thuật Y dược Đà Nẵng, mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển bằng ngưỡng điểm đầu vào của Bộ GDĐT (15,5 điểm) cho tất cả các ngành. Tổng chỉ tiêu tuyển sinh là 750 em.

Theo Trung tâm Truyền thông Cao đẳng Y Dược Hà Nội, ngay cả ĐH Y Hà Nội cũng đưa ra ngưỡng điểm nhận hồ sơ đáng ngạc nhiên: Bằng sàn.

Đừng nên “đánh cược”

Theo các chuyên gia giáo dục, thí sinh cần thận trọng khi đưa ra quyết định xét tuyển vào các trường “top” ngay cả khi mức điểm nhận hồ sơ của các trường này rất thấp.

“Các trường “top” đưa ra mức sàn thấp chỉ là một cách để bảo đảm nguồn tuyển, còn điểm chuẩn trúng tuyển sẽ cách xa rất nhiều so với điểm sàn nhận hồ sơ vì các trường thường lấy điểm từ cao xuống thấp đến hết chỉ tiêu. Đặc biệt là khối ngành Y – Dược, ĐH Y Hà Nội điểm trúng tuyển hàng năm là 28 – 29 điểm nên thí sinh phải tỉnh táo với mức điểm nhận hồ sơ chỉ 15,5 điểm” – một chuyên gia phân tích.

Cân nhắc trước khi thay đổi nguyện vọng xét tuyển

Cân nhắc trước khi thay đổi nguyện vọng xét tuyển

Giải thích về mức điểm nhận hồ sơ “đáng ngạc nhiên” của ĐH Y Hà Nội, ông Nguyễn Hữu Tú – Phó hiệu trưởng nhà trường cho biết, mức điểm này là thực hiện theo đề án tuyển sinh đã công bố trước đó, là sử dụng ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào theo quy định chung của Bộ GDĐT để xét tuyển. Còn điểm trúng tuyển sẽ lấy từ cao xuống thấp. Tiêu chí phụ và thứ tự ưu tiên của các tiêu chí phụ dùng để xét tuyển nếu các thí sinh cuối cùng của chỉ tiêu tuyển sinh có điểm thi bằng nhau là: Điểm bài thi môn toán (ưu tiên 1), điểm môn sinh (ưu tiên 2). Trong khi đó, ông Nguyễn Quốc Cường – Phó Ban đào tạo Hội giáo dục nghề nghiệp TP.Hồ Chí Minh cho rằng, mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển chỉ là điều kiện cần chứ không phải điều kiện đủ để căn cứ khi cân nhắc đưa ra quyết định cuối cùng: “Để quyết định có thay đổi nguyện vọng xét tuyển hay không thí sinh phải căn cứ vào điểm chuẩn trúng tuyển các năm trước, nghề nghiệp mong muốn và nhu cầu thị trường lao động. Điểm thi phải cao hơn điểm trúng tuyển các năm trước từ 1 – 2 điểm mới nên thay đổi nguyện vọng” – ông Cường nói.

Ông Đỗ Văn Xê – Phó Hiệu trưởng  Trường ĐH Cần Thơ thì lưu ý, thí sinh chỉ có 1 cơ hội điều chỉnh hồ sơ vì vậy không nên vội vã mà phải cân nhắc cẩn thận trước khi sử dụng lần điều chỉnh duy nhất này.

“Nên chọn nhiều ngành, nhiều trường dựa vào điểm chuẩn của các năm trước sao cho điểm chuẩn của các ngành được chọn phân bố rộng (có ngành điểm cao và cũng có ngành điểm thấp). Sắp xếp ưu tiên dựa vào sự yêu thích. Ngành nào thích nhất thì cho ưu tiên 1 và cho số tăng dần theo mức độ yêu thích giảm dần. Sau đó mới đăng nhập vào hệ thống để thực hiện các bước điều chỉnh hoặc ghi vào phiếu nếu muốn điều chỉnh bằng phiếu” – ông Xê nói.

Nguồn: danviet.vn – truongcaodangyduocpasteur.edu.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *