Mới đây, Bộ GD&ĐT đã có công văn đồng ý cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp dạy văn hóa trung học phổ thông cho học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở học trung cấp nghề. Tuy nhiên, để triển khai thực hiện được chủ trương này, các trường nghề vẫn đang chờ hướng dẫn cụ thể.
- Gần 200 trường học ở TPHCM cho học sinh sinh viên nghỉ học
- Hơn 2.000 học sinh THPT phải nghỉ học để phòng dịch
- Danh sách các trường ĐH cho sinh viên nghỉ dịch
Học viên tại một trường nghề. Ảnh minh họa.
Dạy văn hóa trong trường nghề tiện cho trò khó cho trường
Bộ GD&ĐT thống nhất để các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đảm bảo các điều kiện về đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý đáp ứng theo quy định của Luật Giáo dục 2019 thực hiện giảng dạy khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông cho học sinh sau trung học cơ sở theo học trung cấp nghề. Theo đó, đối với học sinh do trung tâm giáo dục thường xuyên tuyển sinh theo học chương trình trung học phổ thông có nguyện vọng học trung cấp nghề, các trung tâm giáo dục thường xuyên phối hợp với các trường trung cấp nghề được giao nhiệm vụ đào tạo trình độ trung cấp nghề để tổ chức dạy học.
Về phía người học do các trung tâm giáo dục nghề tuyển vào học nghề có nguyện vọng học chương trình giáo dục nghề nghiệp bậc trung học phổ thông để dự thi tốt nghiệp thì các đơn vị này phối hợp với các trung tâm giáo dục thường xuyên để tổ chức dạy chương trình giáo dục thường xuyên bậc trung học phổ thông. Đối với các trường nghề muốn tổ chức cho học sinh học chương trình GDTX phải bổ sung điều kiện thiết yếu như phòng học, đội ngũ giáo viên, trang thiết bị dạy học, dụng cụ thí nghiệm, thực hành… sẵn sàng cho việc dạy văn hóa, cũng như kết hợp với dạy nghề.
Theo ông Nguyễn Hữu Định – Trưởng phòng Khảo thí Chất lượng Cao đẳng Dược cho biết, trước đây, việc thực hiện dạy văn hóa trung học phổ thông cho học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở học nghề được áp dụng theo Thông tư 16 của Bộ GD&ĐT và văn bản Hướng dẫn tổ chức dạy chương trình giáo dục thường xuyên bậc trung học phổ thông kết hợp với dạy nghề tại các cơ sở giáo dục thường xuyên của Bộ GD-ĐT ban hành ngày 31-7-2020. Theo đó, đối với người học do các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tuyển vào học trung cấp nghề có nguyện vọng học chương trình giáo dục thường xuyên bậc trung học phổ thông, để đủ điều kiện thi tốt nghiệp trung học phổ thông, các đơn vị này phối hợp với các trung tâm giáo dục thường xuyên để tổ chức dạy.
Tuy nhiên, thực thi theo chủ trương này có nhiều ý kiến cho rằng, trung tâm giáo dục thường xuyên đảm nhiệm việc giảng dạy văn hóa trung học phổ thông là không hợp lý, bởi không phải trung tâm giáo dục thường xuyên nào cũng đảm bảo cơ sở vật chất, chất lượng giảng dạy… Trong khi đó, các trường Trung cấp, Cao đẳng đã có đội ngũ giáo viên chất lượng cũng như cơ sở vật chất hiện đại, đáp ứng yêu cầu của người học.
Đào tạo nghề tại một trường Y dược. Ảnh minh họa
Theo cô Nguyễn Thị Hồng – Phó Hiệu trưởng Cao đẳng Điều dưỡng cho rằng, việc các trường Trung cấp – Cao đẳng được dạy văn hóa cho học sinh tốt nghiệp trung học sơ sở học trung cấp nghề là tốt, sẽ nâng cao được chất lượng giáo dục. Tuy nhiên, để các trường Trung cấp – Cao đẳng triển khai thực hiện thì cần có hướng dẫn cụ thể về các tiêu chuẩn như cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên…
Cô Hồng cho biết thêm, theo định hướng phát triển chung, nhiều trường đã xây dựng được nguồn lực giáo viên, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị để giảng dạy văn hóa theo yêu cầu. Nhưng nếu không có hướng dẫn chi tiết thì các trường khó thực hiện.
“Về chuyên môn nghề do Bộ LĐ-TB&XH quản lý, nhưng Bộ GD-ĐT quản lý khối văn hóa. Có thể nhìn nhận việc học nghề và học văn hóa ngay tại trường nghề là thuận lợi nhất đối với học sinh. Đây cũng là mong mỏi của người học, công tác quản lý học tập của trường nghề cũng dễ dàng và hiệu quả hơn. Nhưng để thực hiện được việc giảng dạy văn hoá trong trường nghề thì lâu nay các trường vẫn tự móc nối với các trung tâm giáo dục thường xuyên quận, huyện sẽ thuận lợi, các trường nghề không tốn công chuẩn bị cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên cơ hữu, rồi sau này còn việc tổ chức thi cử tốt nghiệp, mất khá công sức. Ở trung tâm giáo dục thường xuyên có đầy đủ các giáo viên ở tất cả các môn học. Tất nhiên, chi phí trả cho nhà trường sẽ đỡ hơn là khi phải mời chào ký hợp đồng với một đội ngũ giáo viên cơ hữu”. Cô Hồng cho hay.
Tuy nhiên, một thực tế diễn ra là hàng năm, các trường nghề không biết số lượng thí sinh tuyển vào được là bao nhiêu, không chủ động được như trường công, mà các trường này phải đợi. Trong hoàn cảnh không tuyển đủ số học sinh theo chỉ tiêu đề ra, nguồn thu không có trong khi phải chuẩn bị sẵn một đội ngũ giáo viên, phải lo hợp đồng, chi trả BHXH, lương cho giáo viên, chuẩn bị phòng ốc, thiết bị thực hành học văn hoá… Cùng lúc phải lo nhiều việc, dĩ nhiên nhiều trường sẽ không “mặn”.
Trường Cao đẳng Y dược Pasteur tổng hợp.