Bệnh cúm là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp do virus gây ra, dễ dàng lây thông qua đường hô hấp từ người này sang người khác với tốc độ khá nhanh, với các biểu hiện như đau đầu, sổ mũi, ho, sốt, mệt mỏi…
- Dùng thuốc Nexium 40mg cần biết điều gì?
- Dhamotil®: Hàm lượng, liều dùng, tác dụng phụ khi sử dụng
- Natri sulfacetamide: Hàm lượng, công dụng và liều dùng chuẩn
Các triệu chứng của Cúm A
Rất nhiều người nhầm lẫn triệu chứng của cảm lạnh và cúm mà chủ quan dẫn đến những hậu quả nặng nề phải nhập viện hoặc thậm chí là tử vong. Chưa kể, với tốc độ lây lan khủng khiếp có thể bùng phát thành dịch nên cúm được xếp vào là một trong những căn bệnh đáng sợ nhất thế giới. Thực tế, đã xảy ra những lần đại dịch cúm gây ra tỷ lệ tử vong cao với khoảng 50 tới 100 triệu người.
Tại Việt Nam, chủng cúm hay gặp nhất là cúm A và B. Trong đó, cúm A đôi khi có thể lây truyền từ những loại gia cầm và phát sinh thành dịch cúm ở người.
Theo bác sĩ Trần Tú – Giảng viên Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur, bệnh cúm A là một trong những bệnh cúm mùa hiện nay. Chúng có nhiều biến thể như: H1N1, H2N2, H3N2, H5N1…đều có thể gây bội nhiễm, viêm phổi nặng, thậm chí có thể gây suy đa tạng dẫn đến tử vong ở một số trường hợp bệnh nhân bị bệnh mạn tính như: bệnh hen, bệnh phổi, bệnh tim mạch, ung thư….
Triệu chứng của cúm A và những người dễ mắc?
Cần phân biệt được cúm A và cúm thường. Cùng có một số triệu chứng tương tự như: ho, hắt xì, đau đầu, nhức mỏi, chảy nước mũi, sốt nhẹ… nhưng ở cúm A xuất hiện nặng hơn với các triệu chứng như: viêm họng, sốt cao trên 38,5 độ kéo dài, nôn mửa, khó thở, viêm phổi…
Sau khi tiếp xúc với virus gây bệnh, người mắc sẽ có triệu chứng mắc sau 2 ngày. Virus cúm có thể tồn tại lâu ở môi trường bên ngoài, bám sống trên các bề mặt của mặt bàn, tay nắm cửa, tủ…
Các triệu chứng của cúm A đôi khi có thể tự khỏi mà không cần phải can thiệp các phương pháp hỗ trợ điều trị. Nhưng ở một số trường hợp các triệu chứng bệnh kéo dài nhiều ngày mà tình trạng không cải thiện tốt hơn thì bệnh nhân cần gặp bác sĩ để được tư vấn chữa trị kịp thời tránh xảy ra biến chứng.
Những người tuổi cao, hệ miễn dịch kém, phụ nữ có thai và trẻ em cần hết sức lưu ý khi có các triệu chứng bệnh cúm. Ngoài ra, những người có bệnh về đường hô hấp, tim mạch…dễ mắc cúm và trở nặng nếu không đặc biệt lưu ý về không gian trị bệnh và chế độ dinh dưỡng hằng ngày.
Cúm A là căn bệnh nguy hiểm, cần được phát hiện và điều trị sớm
Biến chứng và cách điều trị cúm A
Đa số những bệnh nhân mắc cúm A sẽ dần hồi phục trong vòng 1 tuần. Tuy nhiên, một số trường hợp có thể gây ra những biến chứng nặng.
Theo giảng viên Cao đẳng Dược – Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur, cúm mùa thường lành tính và ai cũng có thể mắc phải, nhưng có thể gây ra biến chứng nặng và nguy hiểm ở những người có bệnh lý về hô hấp, tim mạch, đái tháo đường, suy giảm miễn dịch…, người bệnh cao tuổi, trẻ em.
Biểu hiện của biến chứng nặng: suy hô hấp, khó thở, sốt cao, ho nặng, đờm có lẫn máu, viêm cơ tim, nhiễm khuẩn… Đối với trẻ em, dấu hiệu cúm A trở nặng là khi con có: sốt cao từ 39 độ và không đáp ứng với thuốc hạ sốt; mệt mỏi, lờ đờ, buồn nôn và không muốn ăn uống; co giật; khó thở và thở gấp; chân tay lạnh.
Một số phương pháp dùng để chẩn đoán cúm A: Xét nghiệm nhanh ( RIDTs) cho kết quả sau 10-15 phút nhưng tỷ lệ chính xác không cao như các loại cúm khác(người bệnh vẫn có thể mắc cúm khi kết quả cho âm tính); Miễn dịch huỳnh quang có độ nhạy cao và cho kết quả sau vài giờ; RT-PCR cho kết quả chính xác sau 4-6 giờ lấy mẫu; Xét nghiệm Huyết thanh( đây là phương pháp chủ yếu phục vụ cho mục đích chẩn đoán hồi cứu và nghiên cứu, không phổ biến để phát hiện virus cúm).
Nếu điều trị đúng cách thì người bệnh sẽ hồi phục sau 7 – 10 ngày. Người bệnh cần nghỉ ngơi trong môi trường sạch sẽ, cần bổ sung dinh dưỡng và uống nhiều nước, dùng các thuốc hỗ trợ điều trị cúm A, đặc biệt là vitamin C để tăng sức đề kháng. Bên cạnh đó, cần cách ly người bệnh để tránh lây nhiễm rộng sang những người xung quanh. Lưu ý quan trọng là không dùng Aspirin trong quá trình điều trị cúm A.
Các phương pháp phòng cúm A hiệu quả: giữ gìn vệ sinh cá nhân, vệ sinh chung (dùng khẩu trang, rửa tay thường xuyên…), chủ động tiêm phòng cúm mùa, cúm A đúng lịch và đủ mũi tiêm, khi có dấu hiệu cúm cần được thăm khám và xin tư vấn điều trị của y bác sĩ.
Nguồn: Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur tổng hợp