Tổng quan về bệnh thiếu máu dinh dưỡng

Thiếu máu dinh dưỡng là bệnh lý thường gặp trên lâm sàng, nguyên nhân chính do thiếu sắt, acid folic và vitamin B12. Bệnh tập trung chủ yếu ở các nước đang phát triển hoặc kém phát triển, trong đó có Việt Nam.

Tổng quan về bệnh thiếu máu dinh dưỡng Tổng quan về bệnh thiếu máu dinh dưỡng

Thiếu máu dinh dưỡng là gì?

Thiếu máu dinh dưỡng là một bệnh lý thiếu máu, xảy ra khi khối lượng hồng cầu hay hàm lượng Hemoglobin (Hb) trong máu giảm dưới mức bình thường. Nguyên nhân do thiếu một hay một vài yếu tố tham gia vào quá trình tạo máu như: sắt, đồng, kẽm, vitamin B9, vitamin B12, vitamin C,…

Thiếu máu dinh dưỡng làm ảnh hưởng đến chất lượng sống, như: khiến cơ thể mệt mỏi, giảm khả năng lao động, sa sút trí tuệ (đặc biệt ở trẻ em), và ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của phụ nữ. Bệnh có thể trở nên nguy hiểm nếu không được điều trị đúng cách.

Bệnh gặp ở mọi đối tượng, tuy nhiên có 3 nhóm đối tượng có nguy cơ cao là trẻ em (dưới 5 tuổi), phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ và phụ nữ có thai. Trong đó thiếu sắt là nguyên nhân chủ yếu gây thiếu máu, cũng tập trung ở nhóm đối tượng này.

Theo kết quả của dự án “Tổng điều tra Dinh dưỡng toàn quốc 2019 – 2020” được công bố vào tháng 4 năm 2021: Tỷ lệ thiếu máu ở nhóm đối tượng trẻ dưới 5 tuổi trên cả nước là 19,6%, trong đó cao nhất ở các tỉnh miền núi phía Bắc (23,4%) và Tây Nguyên (26,3%). Mặt khác, báo cáo cũng ghi nhận tỷ lệ thiếu máu dinh dưỡng do thiếu sắt đã giảm đáng kể, ở cả 3 nhóm đối tượng có nguy cơ cao.

Nguyên nhân gây thiếu máu dinh dưỡng?

Theo bác sĩ Trần Tú – Giảng viên Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur, có nhiều yếu tố tham gia vào quá trình tạo máu mà thiếu chúng thì thường gây nên thiếu máu dinh dưỡng, trong đó có 3 yếu tố chính, đó là:

  • Sắt: Sắt là một khoáng chất quan trọng cấu tạo nên hemoglobin, tham gia vào quá trình tạo thành hồng cầu. Ngoài ra, sắt còn là thành phần cấu tạo của myoglobin, protein, enzyme, … Sắt có vai trò chính là vận chuyển oxy trong máu đến các mô trong cơ thể, ngoài ra còn tham gia vào quá trình chuyển hóa và thực hiện một số chức năng khác.
  • Acid folic (hay folat – vitamin B9): Acid folic thuộc vitamin nhóm B, là yếu tố cần thiết cho sự phát triển và phân chia tế bào cũng như sự hình thành tế bào máu. Thiếu acid folic sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình sản sinh hồng cầu, mà bệnh lý thiếu máu hồng cầu khổng lồ là một điển hình.
  • Vitamin B12: Vitamin B12 cũng thuộc vitamin nhóm B tham gia vào quá trình tổng hợp DNA, sự phát triển và phân chia tế bào và quá trình myelin hóa sợi thần kinh, do vậy khi thiếu hụt vitamin B12 cũng gây ra bệnh thiếu máu hồng cầu khổng lồ (không thể phân biệt với loại gây ra do thiếu hụt acid folic).

Thiếu sắt, acid folic và vitamin B12 là nguyên nhân chính gây thiếu máu dinh dưỡng

Thiếu sắt, acid folic và vitamin B12 là nguyên nhân chính gây thiếu máu dinh dưỡng

Dấu hiệu nhận biết thiếu máu dinh dưỡng

  • Biểu hiện thiếu máu: Người gầy gò, da nhợt nhạt, xanh xao, lòng bàn tay và niêm mạc vàng hoặc nhợt.
  • Biểu hiện thiếu oxy: Người mệt mỏi, lừ đừ, nhịp tim nhanh, thở nông, thở gắng sức… dẫn đến kém tập trung khi làm việc, học tập hoặc vận động,
  • Biểu hiện về dinh dưỡng: Chán ăn, sụt cân, môi khô, lưỡi láng, mất gai, móng biến dạng (dẹt, có khía, hoặc khum hình thìa), tóc khô dễ gãy rụng…
  • Biểu hiện sa sút trí tuệ: Trẻ dưới 2 tuổi chậm biết ngồi, biết đi, chậm tăng trưởng cân nặng chiều cao,…
  • Bệnh nền: Rối loạn kinh nguyệt, dễ bị nhiễm trùng, xuất huyết đường tiêu hóa đi ngoài phân đen,… hoặc có tiền sử phẫu thuật cắt dạ dày, ruột.

Biện pháp khắc phục thiếu máu dinh dưỡng

Để khắc phục thiếu máu dinh dưỡng, cố vấn chuyên môn Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur cho biết, người bệnh cần chú ý những vấn đề sau:

  • Chế độ dinh dưỡng hợp lý: Đa dạng hóa bữa ăn, lựa chọn các thực phẩm giàu sắt, vitamin B12 và acid folic cùng các vitamin và khoáng chất khác, từ cả nguồn động vật và nguồn thực vật.
  • Tăng khả năng hấp thụ sắt từ nguồn gốc động vật (thịt bò, thịt nạc, tim, gan, ngao, sò, ốc,…) và thực vật (bí đỏ, các loại đậu, cà chua, khoai lang, khoai tây,…). Đồng thời, kết hợp với các thực phẩm giàu vitamin C như rau quả mọng, thức ăn lên men (giá đỗ, dưa chua, các thực phẩm nẩy mầm) và giảm lượng tanin, acid phytic – hạn chế sự hấp thu sắt – trong một số thực phẩm.
  • Không nên uống nước trà đặc quá gần bữa ăn, chỉ uống trước hoặc sau bữa ăn ít nhất 2 giờ vì chất tanin trong trà sẽ hạn chế việc hấp thu sắt.
  • Điều trị và phòng ngừa các bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm ký sinh trùng (tẩy giun định kỳ 6 tháng/1 lần), các bệnh lý tiêu hóa để tăng cường khả năng tiêu hóa hấp thu dưỡng chất.
  • Thăm khám bác sĩ thường xuyên (khoảng 6 tháng/1 lần) để được tư vấn và thực hiện các xét nghiệm cần thiết – xét nghiệm huyết học và sinh hóa – giúp phát hiện sớm nguy cơ mắc bệnh.

Tại Việt Nam, thiếu máu dinh dưỡng đã trở thành vẫn đề sức khỏe của cả cộng đồng. Do vậy mà việc kiểm tra sức khỏe định kỳ và thực hiện các xét nghiệm kiểm tra học là vô cùng quan trọng. Ngoài ra, có thể bổ sung viên sắt, acid folic, vitamin B12 cho các nhóm đối tượng nguy cơ cao: trẻ em dưới 5 tuổi, trẻ sinh non, nhẹ cân; phụ nữ mang thai, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ; theo hướng dẫn của Bác sĩ.

Nguồn: Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur tổng hợp

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *