Enzyme: Khái niệm, phân loại và lịch sử xuất hiện

Khái niệm enzyme đã không còn xa lạ với mọi người do con người bắt đầu chú ý hơn đến việc nâng cao đời sống, đặc biệt là chế độ ăn uống mà ở đó enzyme đóng một vai trò vô cùng quan trọng.

Enzyme: Khái niệm, phân loại và lịch sử xuất hiện Enzyme: Khái niệm, phân loại và lịch sử xuất hiện

Enzyme là gì?

Enzyme (hay còn gọi là men) là một chất xúc tác sinh học, đa phần có bản chất là Protein, nhưng cũng có thể là RNA (rất ít). Các enzyme được tạo thành do sự mã hóa của bộ gen và chúng thực hiện hàng ngàn chức năng khác nhau bên trong một tế bào. Một tế bào chứa hàng ngàn loại phân tử enzyme khác nhau, nhưng mặt khác một enzyme lại chỉ có thể tham gia vào một phản ứng hóa học cụ thể (tính đặc hiệu của enzyme). Sự có mặt của enzyme làm tăng tốc độ của các phản ứng hóa học diễn ra bên trong cơ thể, do vậy có thể nói enzyme đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển hóa (tính xúc tác của enzyme).

Phân loại enzyme

Theo giảng viên Cao đẳng Xét nghiệm (Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur) Nguyễn Hiền, enzyme thường được hiểu chung là men tiêu hóa, tuy nhiên trên lý thuyết, đó là một trong 2 loại enzyme, cụ thể là: enzyme tiêu hóa (digestive enzymes) hay chúng ta vẫn gọi với cái tên là men tiêu hóa và enzyme chuyển hóa (metabolic enzymes).

  • Enzyme tiêu hóa được tiết ra từ các tuyến và cơ quan trong cơ thể như tuyến nước bọt, tuyến tụy, dạ dày, ruột non. Các enzyme này tham gia vào quá trình tiêu hóa thức ăn trong cơ thể.
  • Enzyme chuyển hóa được sản sinh từ các tế bào của cơ thể, chúng tham gia vào quá trình đồng hóa và dị hóa (hay là các quá trình tổng hợp và tiêu tốn năng lượng). Những quá trình này có vai trò quan trọng giúp con người thực hiện hoạt động sống hằng ngày như đi lại, hít thở, suy nghĩ, học tập,…

Mặt khác, người ta có thể phân chia enzyme thành 2 loại: enzyme nội sinh và enzyme ngoại sinh. Những enzyme được tiết ra từ chính các bộ phận và cơ quan trong cơ thể được gọi là enzyme nội sinh, trong khi đó những enzyme được bổ sung vào cơ thể thông qua thức ăn thì được gọi là enzyme ngoại sinh. Đặc điểm của enzyme nội sinh là sẵn có và do chính cơ thể tự tạo ra, còn những enzyme ngoại sinh lại cần bổ sung từ bên ngoài, một số enzyme cơ thể không thể tự tổng hợp được. Tất cả các enzyme này đều giúp cải thiện quá trình tiêu hóa một cách tự nhiên.

Đối với một số loài động vật thì việc bổ sung enzyme ngoại sinh có ý nghĩa rất lớn, nó sẽ liên quan nhiều hơn đến ngành công nghiệp chăn nuôi. Cụ thể là enzyme ngoại sinh đóng vai trò như là các enzyme tiêu hóa, giúp phân giải và tiêu hóa các loại thức ăn mà các enzyme nội sinh không thể phân giải được, một số enzyme được bổ sung vào thức ăn nhằm hỗ trợ quá trình tiêu hóa, tránh tình trạng tiêu chảy hay rối loạn tiêu hóa thường gặp. Chẳng hạn như các enzyme giúp phân giải chất xơ (một chất khó tiêu hóa và có thể làm cản trở khả năng hấp thu các chất dinh dưỡng ở động vật nếu không được phân cắt) có thể kể đến các enzyme như: xylanase, cellulose, alpha-amylase, protease.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Lịch sử xuất hiện của enzyme

Vào những năm cuối thể kỷ 17 và đầu thế kỷ 18, người ta vẫn chưa biết đến sự tồn tại của enzyme và cơ chế tác dụng của nó, tuy nhiên các quá trình có liên quan đến sự xúc tác của enzyme đã được nhận thấy. Chẳng hạn như người ta đã biết rằng nhờ các chất tiết ra từ dạ dày, hay nước bọt ở miệng, mà các loại thức ăn đưa vào cơ thể như thịt, tinh bột được tiêu hóa.

Đến thế kỷ thứ 19, cụ thể vào năm 1833, một nhà hóa học Pháp tên là Anselme Payen đã phát hiện ra enzyme đầu tiên, enzyme diastase. Tiếp tục sau đó một vài thập niên, người ta công nhận sự tồn tại của một chất có khả năng xúc tác (mặc dù vẫn chưa gọi tên chất đó là enzyme) nhờ thí nghiệm lên men đường thành rượu bằng nấm men của nhà bác học lỗi lạc Louis Pasteur. Sau nghiên cứu ông đã đi đến kết luận rằng quá trình lên men được xúc tác bởi một yếu tố quan trọng có tên là “ferments”  (chất này có trong tế bào nấm men) và nó chỉ có chức năng trong các tế bào sống, không có trên các tế bào đã chết. Tuy nhiên giả thuyết này đã được bổ sung sau đó với một vài điểm khác biệt, cụ thể vào những năm đầu thế kỷ 20, Eduard Buchner đã chỉ ra rằng sự lên men đường thậm chí không cần đến sự có mặt của tế bào nấm men nói riêng và “sự lên men không có tế bào” nói chung.

Thuật ngữ enzyme xuất hiện vào năm 1877, bởi nhà vật lý học người Đức Wilhelm Kühne xuất phát từ tiếng Hy Lạp khi mô tả quá trình lên men, Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur dẫn nguồn từ genome.gov.

Nguồn thông tin về enzyme khá phong phú, do vậy mà việc hiểu được bản chất và lịch sử hình thành của enzyme là vô cùng quan trọng.

Nguồn: genome.gov – truongcaodangyduocpasteur.edu.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *